Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
TIẾP CẬN THÔNG TIN

TIẾP CẬN THÔNG TIN

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC - nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư

Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ có phạm vi rộng và ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội và quyết định việc chuyển đổi số của Chính phủ trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025 theo 03 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, có một nội dung đặc biệt quan trọng đó là bảo đảm thông tin, hồ sơ, giấy tờ được số hóa, kiểm tra, cập nhật kịp thời để tạo dữ liệu “sống, sạch, đủ, chính xác”.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nói chung và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói riêng cần gắn kết chặt chẽ và được cập nhật, bổ sung thông tin dữ liệu từ các giao dịch hàng ngày của các cơ quan chính quyền với người dân, doanh nghiệp thông qua các thủ tục hành chính. Nghị định số 107/2021/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức là chủ thể của quá trình số hóa, xây dựng, quản lý, vận hành dữ liệu thông qua việc gắn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp là chủ thể quản lý, sử dụng hiệu quả dữ liệu của họ theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ trên cơ sở kiểm tra, xác nhận tự động từ dữ liệu hoặc tái sử dụng thông tin, giấy tờ đã được số hóa, có giá trị pháp lý để người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một lần.

 

Theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 của Chính phủ, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2022; thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp huyện kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2022; thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã từ ngày 01 tháng 6 năm 2023; Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo được thực thi chậm hơn nhưng phải trước ngày 31 tháng 12 năm 2024. Riêng đối với 25 dịch vụ công thiết yếu tại phụ lục kèm theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.

 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và bộ, ngành, cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (Công văn số 9318/VPCP-KSTT ngày 21/12/2021 của Văn phòng Chính phủ); việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (Công văn số 761/VPCP-KSTT ngày 29/01/2022 của Văn phòng Chính phủ); việc kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa phục vụ tái sử dụng (Công văn số 2916/VPCP-KSTT ngày 10/5/2022 của Văn phòng Chính phủ). Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 63 địa phương; phối hợp với Bộ Công an khảo sát, kiểm tra, hỗ trợ trực tiếp tại 9 địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ có hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06 (phiên bản 1.0 – Công văn số số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có nội dung kỹ thuật để triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, làm cơ sở để đề xuất giải pháp đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

 

Trên cơ sở đó, một số bộ, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhưng nhìn chung kết quả thực hiện còn thấp. Theo kết quả tổng hợp dựa trên dữ liệu từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, đến nay, mới có khoảng 6,17% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng cho lần sau; 17,8% hồ sơ được số hóa nhưng chủ yếu mới chỉ dừng ở mức chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử ở giai đoạn tiếp nhận hồ sơ, mà chưa thực hiện đầy đủ quy trình số hóa tại giai đoạn xử lý, trả kết quả theo đúng quy định. Kết quả thực hiện còn hạn chế nêu trên là do một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

 

Thứ nhất, việc số hóa là vấn đề mới, thực tế nhiều cán bộ, công chức vẫn coi đây là công việc của bộ phận công nghệ hoặc một nhóm chuyên môn về dữ liệu. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức nên còn lúng túng, hiểu chưa thống nhất trong quá trình thực hiện.

 

Thứ hai, một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc hợp nhất, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu số hóa theo đúng quy định.

 

Thứ ba, một số bộ, ngành còn chậm trong chuẩn hóa thông tin, mã số kết quả thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để làm cơ sở thống nhất mã loại giấy tờ trong toàn quốc phục vụ chia sẻ, tái sử dụng hồ sơ, giấy tờ.

 

Thứ tư, việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính còn chậm. Một số bộ, ngành cũng chưa có hướng dẫn số hóa dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, quốc gia để địa phương triển khai thực hiện trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

 

Từ những vấn đề trên, để đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, đề nghị bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

 

Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để nâng cao nhận thức, tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ bảo đảm triển khai các nhiệm vụ số hóa thống nhất, hiệu quả.

 

Hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành một Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung duy nhất của bộ, tỉnh, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; Nâng cấp, hoàn thiện chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trong Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan hành chính nhà nước./.

 

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành các quy trình nội bộ, làm cơ sở để hoàn thiện phần mềm phục vụ số hóa, giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của từng thủ tục.

 

Theo Văn phòng Chính phủ, để đảm bảo công tác số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành:

 

Chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, làm cơ sở thống nhất mã loại giấy tờ trên toàn quốc phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa theo đúng quy định.

 

Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Trong đó, từ nay đến cuối năm cần tập trung thực hiện có hiệu quả đối với Hệ thống, cơ sở dữ liệu: Đăng ký doanh nghiệp; Quản lý đầu tư nước ngoài; Giấy phép lái xe; Giấy phép kinh doanh vận tải; Cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe tô; Hộ tịch điện tử; Lý lịch tư pháp; Đăng ký, cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh.

 

Các bộ, ngành có các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý trong số 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 cần có hướng dẫn cụ thể việc số hóa trong quá trình xử lý hồ sơ để các địa phương thống nhất thực hiện và có thể làm cơ sở đề xuất giải pháp nhân rộng ra các thủ tục, dịch vụ khác.

 

Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thủ tục, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu, đề xuất triển khai tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.

 

Tăng cường tuyên truyền, đổi mới việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thông qua việc phát huy vai trò của Tổ công tác Đề án 06 của địa phương, Tổ công tác cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại địa phương như: Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ,…/.


Tác giả: Trịnh Minh
Nguồn:https://kontum.gov.vn/pages/detail/41978/Day-manh-so-hoa-ho-so-ket-qua-giai-quyet-TTHC---nhiem-vu-quan-trong-trong-thuc-hien-De-an-ung-dung-du-lieu-dan-cu.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
THỜI SỰ
Thống kê truy cập
Hôm nay : 68
Hôm qua : 52
Tháng 04 : 1.453
Tháng trước : 1.985
Năm 2024 : 8.385
LIÊN KẾT