Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
TIẾP CẬN THÔNG TIN

TIẾP CẬN THÔNG TIN

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2023

Trong tháng 5/2023 có 01 Pháp lệnh; 02 Nghị định, 03 Quyết định, 20 Thông tư; 01 Thông tư liên tịch chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân.

Trong tháng 5/2023 có 01 Pháp lệnh; 02 Nghị định, 03 Quyết định, 20 Thông tư; 01 Thông tư liên tịch chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân.

1. Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 ngày 28/02/2023 của UBTVQH về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nướccó hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023

Theo đó, căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15, quy định phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này như sau: Pháp lệnh này quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Những nội dung cơ bản của Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 ngày 28/2/203 cụ thể như sau:

Một là, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Hai là, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 58 Luật Kiểm toán nhà nước.

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Pháp lệnh này đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Ba là, hình thức xử phạt đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Phạt cảnh cáo, phạt tiền.

Bốn là, có 02 biện pháp khắc phục hậu quả được quy định bao gồm: Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Năm là, mức phạt tiền tối đa với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của tổ chức là 100 triệu đồng.

Sáu là, quy định 07 nhóm loại hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, bao gồm: Hành vi vi phạm quy định về gửi báo cáo định kỳ; Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán; Hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước; Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Bảy là, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là Kiểm toán viên Nhà nước, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng.

Tám là, thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Trưởng đoàn kiểm toán (phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 6 của Pháp lệnh) và  Kiểm toán trưởng (Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực kiểm toán nhà nước; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 6 của Pháp lệnh).

Chín là, quy định về khiếu nại, khởi kiện đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật Kiểm toán nhà nước về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan; quyền khởi kiện và giải quyết đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 69a của Luật Kiểm toán nhà nước về việc khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 20/5/2023

Theo đó, bổ sung mới quy định về các điều kiện, tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, phải có dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; phù hợp với quy hoạch SDĐ cấp huyện, dự án đầu tư có trong danh mục kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt; có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (nếu có).

Bên cạnh đó, phải có phương án trồng rừng thay thế hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế với trường hợp chuyển mục đích SDĐ rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; có phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa với trường hợp chuyển mục đích SDĐ chuyên trồng lúa sang mục đích khác.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ, cho thuê đất, tổ chức tham gia đấu giá phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai; Đáp ứng các điều kiện tại khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, tổ chức tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ; không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá; và đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản với trường hợp đấu giá QSDĐ để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.

3. Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, có hiệu lực từ ngày 25/5/2023

Nhãn

Áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính

Cụ thể, việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện như sau:

Việc áp dụng cung cấp mã QR trong tiếp nhận thủ tục hành chính phải bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006) về Công nghệ thông tin - Kỹ thuật phân định và thu nhận dữ liệu tự động - Yêu cầu kỹ thuật đối với mã hình QR code 2005.

Trong đó, mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh cho tổ chức, cá nhân cung cấp các dữ liệu tối thiểu sau:

- Mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

- Mã thủ tục hành chính.

- Mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính.

- Tên giấy tờ được xuất bản.

- Tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu.

- Thời điểm xuất bản.

- Trường hợp là Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả, mã QR có cung cấp thêm dữ liệu về ngày hẹn trả kết quả.

- Trường hợp là Kết quả giải quyết thủ tục hành chính, mã QR có cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có).

 

 

Hoàn trả đối với các khoản thu phí, lệ phí, thu phạt

Khi người dân có yêu cầu hoàn trả số tiền đã nộp nhầm, nộp thừa, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn trả theo quy định.

Việc thực hiện đề nghị hoàn trả đối với giao dịch thanh toán các khoản thu phí, lệ phí, thu phạt đã được hạch toán vào tài khoản cơ quan thu tại Kho bạc Nhà nước trên cổng Dịch vụ công quốc gia như sau:

- Cán bộ được phân quyền “Lập chứng từ hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước” thực hiện việc lập chứng từ tại chức năng quản trị đối với mã giao dịch thanh toán trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

(Trường hợp cơ quan có thẩm quyền gửi chứng từ hoàn sang Kho bạc Nhà nước thì sử dụng mẫu chứng từ hoàn trả theo quy định của Bộ Tài chính).

- Cán bộ được phân quyền “Phê duyệt chứng từ hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước” phê duyệt chứng từ tại chức năng quản trị.

- Chuyển lệnh hoàn trả sang Kho bạc Nhà nước. Cán bộ được phân công lập chứng từ, phê duyệt, theo dõi tình hình, kết quả xử lý của Kho bạc Nhà nước trên chức năng quản trị của cổng Dịch vụ công quốc gia.

4. Thông tư số 18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bừ trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 05/5/2023.

Theo đó, trường hợp nộp tiền phạt vi phạm hành chính (VPHC) bằng tiền mặt trực tiếp, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt.

Với trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công.

Bên cạnh đó, không tính tiền chậm nộp phạt VPHC trong các trường hợp sau: Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt VPHC; Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

Cá nhân, tổ chức bị xử lý VPHC có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý VPHC theo quy định pháp luật. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý VPHC theo quy định pháp luật. Các cá nhân, tổ chức nêu trên được hoàn trả số tiền phạt thu không đúng trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại hoặc từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

5. Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 09/5/2023

Ngày 24/3/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, tại mỗi khu vực in sao đề thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi phải bố trí 01 điện thoại cố định có loa ngoài (riêng với khu vực in sao đề thi và làm phách bài thi tự luận, điện thoại này phải có thêm chức năng ghi âm) đặt tại phòng làm việc chung/phòng trực bảo đảm an ninh, an toàn. Chỉ sử dụng chức năng nghe, gọi của điện thoại để liên lạc với Hội đồng thi, Ban Chỉ đạo thi các cấp, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài để nghe công khai, đều phải ghi nhật ký và phải có sự chứng kiến của ủy viên làm nhiệm vụ giám sát.

Bên cạnh đó, không được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi. Mỗi khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo, Hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó, các vật dụng này phải được niêm phong dưới sự chứng kiến của công an và phải được bảo quản tại địa điểm an toàn trong suốt thời gian của mỗi buổi làm việc.

Đáng chú ý, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí. Như vậy, thí sinh không được mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi như quy định cũ nữa.

6. Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023

Điều chỉnh tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

Theo quy định mới tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Chỉ quy định một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên; quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp; không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ; thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III còn 3 năm; giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng khi thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.

Quy định mới sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00; bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

7. Thông tư số 03/2023/TT-BVHTTDL ngày 23/3/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; hình thức, nội dung và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và mỹ thuật, có hiệu lực từ ngày 15/5/2023

Thông tư quy định 03 tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và mỹ thuật (sau đây gọi là chuyên ngành văn hóa) là:

Thứ nhất, được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Thứ hai, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi theo quy định tại: Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL; Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL; Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL; Thông tư 09/2022/TT-BVHTTDL; Thông tư 10/2022/TT-BVHTTDL; Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL.

Bên cạnh đó, viên chức đáp ứng 03 tiêu chuẩn, điều kiện trên và thuộc các trường hợp sau được dự xét thăng hạng: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và chuyên ngành mỹ thuật được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật quy định tại điểm b khoản 4 của các Điều 4, 5, 8 và 9 Thông tư 10/2022/TT-BVHTTDL;…

8. Thông tư số 02/2023/TT-BNV ngày 23/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 10/5/2023

Theo đó, biểu mẫu chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ thuộc các lĩnh vực: tổ chức hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; thanh tra ngành Nội vụ; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nội vụ; hội, tổ chức phi Chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; lĩnh vực văn thư – lưu trữ .

Ngoài ra, kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch bao gồm: báo cáo thống kê năm, báo cáo thống kê theo nhiệm kỳ, báo cáo thống kê khác và báo cáo thống kê đột xuất.

Cụ thể, báo cáo thống kê năm được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo thống kê cho đến ngày cuối cùng của tháng thứ mười hai của kỳ báo cáo thống kê đó, trong đó, kỳ báo cáo thống kê lĩnh vực thi đua, khen thưởng được tính từ ngày 01/12 năm trước đến ngày 30/11 năm sau; kỳ báo cáo thống kê năm các lĩnh vực còn lại được tính từ ngày 01/01 năm báo cáo đến ngày 31/12 năm báo cáo. Báo cáo thống kê theo nhiệm kỳ được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ báo cáo thống kế cho đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ báo cáo thống kê đó.

9Thu hồi sim không chuẩn hóa thông tin từ 15/5/2023

Trước yêu cầu của Cục Viễn thông về việc chuẩn hóa sim với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đã rà soát thông tin và thực hiện thông báo đến từng số thuê bao để nhắc nhở người dân cập nhật thông tin chính xác.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thuê bao chưa chịu chuẩn hóa thông tin cá nhân. Ngày 15/4/2023, các nhà mạng đã thực hiện khóa liên lạc hai chiều đối với khoảng 1,2 triệu thuê bao.

Nếu tiếp tục không chuẩn hóa thông tin để trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì từ ngày 15/5/2023, các thuê bao có thông tin không trùng khớp đã bị khóa 2 chiều sẽ bị thu hồi về kho số của nhà mạng.

Để không bị tịch thu sim, người dân có số thuê bao chưa chuẩn hóa cần thu xếp công việc để sớm đến các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin trước ngày 15/5.


Nguồn:Cổng thông tin điện tử thị xã Kỳ An - Hà Tĩnh Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
THỜI SỰ
Thống kê truy cập
Hôm nay : 38
Hôm qua : 77
Tháng 05 : 152
Tháng trước : 1.494
Năm 2024 : 8.578
LIÊN KẾT